THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC
Chứng chỉ hành nghề dược là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện và trình độ chuyên môn theo quy định của pháp luật để có thể kinh doanh dược và hoạt động dược lâm sàng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về cấp chứng chỉ hành nghề dược? Trình tự thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược bao gồm những thủ tục nào?
Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Dược 2016.
– Nghị định 54/2017/NĐ-CP Ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược.
– Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
– Thông tư 07/2018/TT-BYT ngày 12/04/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ.
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
2.1. ĐIỀU KIỆN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC
a. Điều kiện về văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận chuyên môn
Người xin cấp chứng chỉ hành nghề dược phải có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược bao gồm:
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (sau đây gọi là Bằng dược sỹ);
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa;
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học;
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành hóa học;
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
– Văn bằng, chứng chỉ sơ cấp dược;
– Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền:
+ Giấy chứng nhận là lương y được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp.
+ Giấy chứng nhận là lương dược được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp.
+ Giấy chứng nhận đủ trình độ chuyên môn về dược cổ truyền đã được Sở Y tế cấp trước thời điểm Thông tư số 13/1999/TT-BYT ngày 06 tháng 7 năm 1999 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y học cổ truyền (sau đây gọi là Thông tư số 13/1999/TT-BYT) có hiệu lực.
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề về dược cổ truyền được Sở Y tế cấp từ ngày 21 tháng 7 năm 1999 đến trước ngày 21 tháng 01 năm 2004.
+ Giấy chứng nhận, chứng chỉ về y dược cổ truyền được cơ sở có chức năng đào tạo cấp trước ngày Luật Dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực và đã được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề dược cổ truyền theo Thông tư số 02/2007/TT-BYT ngày 24 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều về điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật Dược và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược.
b. Điều kiện về thời gian thực hành
– Có thời gian thực hành tại cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở dược); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề theo quy định sau đây:
+ Đối với người bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược thì không yêu cầu thời gian thực hành; phải cập nhật kiến thức chuyên môn về dược;
+ Đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học phù hợp với phạm vi hành nghề thì được giảm thời gian thực hành theo quy định của Chính phủ;
+ Đối với người có văn bằng chuyên môn tại điểm l khoản 1 Điều 13 Luật Dược thì thời gian thực hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Với đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau thì yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau. Thời gian thực hành có thể từ 01 năm đến 05 năm tùy theo phạm vi hoạt động.
c. Điều kiện về sức khỏe
Trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề dược phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Người xin cấp chứng chỉ hành nghè dược không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án; quyết định của Tòa án.
– Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
d. Lưu ý
– Đối với người tự nguyện xin cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi phải đáp ứng đủ Điều kiện đã nêu ở trên.
– Đối với người nước ngoài hành nghề dược tại Việt Nam đối và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì ngoài các điều kiện đã nêu ở trên phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược.
2.2. THẨM QUYỀN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC
– Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi.
– Giám đốc Sở Y tế ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức xét hồ sơ.
2.3. TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược. Hiện nay đơn đề nghị được viết theo mẫu số 02 Phụ lục I của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
– Ảnh chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
– Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn.
– Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
– Giấy xác nhận về thời gian thực hành chuyên môn.
– Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với trường hợp đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược.
– Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
– Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
– Trường hợp cấp chứng chỉ bị thu hồi thì chỉ cần nộp đơn.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược nộp hồ sơ đến:
– Bộ Y tế đối với trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ theo hình thức thi;
– Sở Y tế đối với trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ theo hình thức xét hồ sơ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
– Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trao phiếu tiếp nhận hồ sơ .
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ.
Bước 4: Cấp chứng chỉ hành nghề dược
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp:
– Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
– Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC“.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:
– THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
– THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THÚ Y