THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là văn bản thể hiện sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về y tế đối với các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa chứng minh sản phẩm mình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay khá phức tạp. Việc hiểu biết về trình tự, thủ tục sẽ giúp việc cấp giấy phép nhanh chóng, thuận tiện. 

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về “Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm” như sau:


THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật An toàn thực phẩm 2010.

– Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. 

– Thông tư 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Điều 34 Luật An toàn thực phẩm quy đinh về các điều kiện cấp giấy chứng nhận. Để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải đạt được hai điều kiện sau:

Thứ nhất, cơ sở phải có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đối với mỗi loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm cụ thể như sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thì ngoài các điều kiện chung còn phải đáp ứng các điều kiện riêng biệt đối với từng lĩnh vực.

Thứ hai, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2.2. Thủ tục cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm

2.2.1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

Đối với đối tượng cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp thì mẫu đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38 /2018/TT-BNNPTNT, đối với đối tượng cấp giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương thì mẫu đơn được thực hiện theo theo Mẫu 1a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 43/2018/TT-BCT. 

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

– Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giấy xác nhận phải do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

2.2.2. Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Về hình thức, hồ sơ có thể được nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện. 

2.2.3. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ, quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Việc kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện như sau:

– Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở

Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Việc thẩm định thực tế có thể được ủy quyền cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. 

– Kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở

Kết quả thẩm định được ghi vào biên bản thẩm định. Kết quả thẩm định bao gồm các loại “Đạt” hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện”. 

Trường hợp “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” phải ghi rõ lý do trong Biên bản thẩm định. Trường hợp “Chờ hoàn thiện”, thời hạn khắc phục tối đa là 60 ngày. Sau khi đã khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định, cơ sở phải nộp báo cáo kết quả khắc phục và nộp phí thẩm định về cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định lại. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 10 ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục. Sau 60 ngày cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kết quả thẩm định trước đó với kết luận “Chờ hoàn thiện” không còn giá trị;

Biên bản thẩm định thực tế tại cơ sở được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, Đoàn thẩm định giữ 01 bản và cơ sở giữ 01 bản.

2.2.4. Cấp giấy chứng nhận

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.

2.3. Phí, lệ phí thẩm định cấp giấy chứng nhân an toàn thực phẩm

Việc thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phí thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm, phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Mức phí cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tùy vào đối tượng cấp và lần cấp. Mỗi đối tượng cấp và lần cấp sẽ có mức phí khác nhau. Hiện nay mức thu phí được thực hiện theo Thông tư số 276/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. 

2.4. Thời hạn có hiệu lực và cấp lại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

– Thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là 03 năm

– Việc cấp lại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được thực hiện như sau:

Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như đối với cấp lần đầu. 

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM“.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật –  Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:                                                                                          

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250     

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ DƯỢC

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP BÁN LẺ RƯỢU

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU RƯỢU

THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG MẦM NON

Trân trọng./.