CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG
Vi phạm giao thông là một vi phạm phổ biến trong đời sống. Đối với mỗi hành vi vi phạm sẽ có hình thức xử lý, mức hình phạt riêng. Vậy cụ thể có những hình thức xử phạt nào được áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này?
Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/05/2016 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
– Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
Hành vi vi phạm giao thông là các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về an toàn giao thông được pháp luật quy định.
Có hai hình thức xử lý hành vi vi phạm giao thông là xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự áp dụng đối với hành vi vi phạm giao thông gây nguy hiểm cho xã hội theo luật định.
2.1. Xử phạt hành chính hành vi vi phạm giao thông
Các hình thức xử phạt trong lĩnh vực hành chính được quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính:
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
a. Cảnh cáo
Đối với hành vi vi phạm giao thông không nghiêm trọng thì có thể bị phạt cảnh cáo. Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
b. Phạt tiền
Phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực này. Đối với trường hợp vi phạm giao thông, mức phạt tiền được quy định như sau:
Điều 24: Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;
…
d) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội
đ) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng:…; giao thông hàng hải; giao thông hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông;…
Tùy từng hành vi vi phạm giao thông mà pháp luật quy định mức phạt tiền cụ thể. Hiện nay hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực này được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Về nguyên tắc áp dụng hình thức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.
c.Tước quyền sử dụng giấy phép
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định
1. Việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
a) Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Ngoài ra, khi vi phạm giao thông người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định. Trục xuất là hình thức xử lý hành chính được áp dụng đối với người nước ngoài.
2.2. Xử lý hình sự
Khi hành vi vi phạm giao thông thỏa mãn các hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt khi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông bao gồm hình phạt chính và có thể áp dụng hình phạt bổ sung.
a. Hình phạt chính
Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà pháp luật quy định hình phạt cụ thể. Nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông được áp dụng các hình phạt chính sau:
– Phạt tiền
Mức phạt tiền đối với từng hành vi được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
– Cải tạo không giam giữ: Thời hạn cải tạo không giam giữ là không quá 03 năm
– Phạt tù: mức phạt tù trong nhóm tội này có thể lên đến 15 năm.
b. Hình phạt bổ sung
Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội về an toàn giao thông còn có thể chịu hình phạt bổ sung. Các hình phạt bổ sung được áp dụng một cách tùy nghi đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông gồm:
– Cấm đảm nhiệm chức vụ.
– Cấm hành nghề hoặc cấm.
– Cấm làm công việc nhất định.
Thời gian áp dụng hình phạt bổ sung trong khoảng thời gian xác định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG“.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:
– CÁC TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
– MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ