ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về nội dung sau: ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM



Căn cứ nội dung trao đổi với đại diện Quý Công ty A, Equity Law Firm hiểu rằng Quý Công ty A đang có nhu cầu được tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

NỘI DUNG TỔNG KẾT

1- Đánh giá về mặt pháp lý về chứng khoán phái sinh theo quy định pháp luật Việt Nam

– Về chứng khoán phái sinh theo pháp luật Việt Nam, Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.”

– Khoản 11, khoản 12, khoản 13 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 42 đưa ra định nghĩa cụ thể về 03 (ba) loại hợp đồng này như sau:

Hợp đồng quyền chọn: Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng tương lai: Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng kỳ hạn: Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Như vậy, chứng khoán phái sinh theo quy định của pháp luật Việt Nam là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng và tồn tại dưới 03 (ba) hình thức: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Và nó là một loại chứng khoán được hình thành trên một tài sản cơ sở hay tài sản gốc nhất định. Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào loại tài sản cơ sở mà nó hình thành. 

– Về tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh theo pháp luật Việt Nam, Khoản 10 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:

“Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh (sau đây gọi là tài sản cơ sở) là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh”.

Như vậy, giữa tài sản cơ sở và chứng khoán phái sinh luôn có mối quan hệ đặc biệt đó là mỗi chứng khoán phái sinh sẽ được thành lập trên tối thiểu một tài sản cơ sở và có giá trị gắn liền với giá trị của phần tài sản đó. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ quy định 02 (hai) loại tài sản cơ sở một cách minh thị, rõ ràng là: Chứng khoán và chỉ số chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, Luật còn quy định một số tài sản khác là tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh nhưng phải được Chính phủ quy định cụ thể. Đến thời điểm hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào của Chính phủ quy định chi tiết thêm những tài sản khác được xác định là tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh (ngoại trừ chứng khoán và chỉ số chứng khoán).

2- Quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán tại Việt Nam phải được cấp phép và đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

Điều 4 Nghị định 158 quy định về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh như sau:

Đối với công ty chứng khoán

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 158 quy định Công ty chứng khoán được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, cụ thể:

“1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (sau đây gọi tắt là công ty quản lý quỹ) chỉ được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh:

a) Công ty chứng khoán được thực hiện một hoặc một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, bao gồm: môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh;…

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 158 quy định về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh như sau:

“2. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán bao gồm:

a) Được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

b) Đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu như sau:

– Đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên;

– Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 600 tỷ đồng trở lên;

– Đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 250 tỷ đồng trở lên;

– Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên;

c) Đáp ứng yêu cầu về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về hoạt động của công ty chứng khoán;

d) Đáp ứng điều kiện về nhân sự: Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

đ) Có tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất; thực hiện trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật;

e) Không có lỗ trong 02 năm gần nhất;

g) Ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau ngày 30 tháng 6) phải là chấp nhận toàn phần;

h) Không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản; không đang trong tình trạng đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”

Đối với công ty quản lý quỹ

Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 158 quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của Công ty quản lý quỹ:

“1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (sau đây gọi tắt là công ty quản lý quỹ) chỉ được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh:

b) Công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.”

Về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh của Công ty quản lý quỹ được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 158 như sau:

“3. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty quản lý quỹ bao gồm:

a) Có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 25 tỷ đồng trở lên;

b) Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

c) Đáp ứng quy định tại điểm đ, e, g, h khoản 2 Điều này.”

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, Công ty kinh doanh chứng khoán, công ty quản lý quỹ được cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Nghị định 158 và đảm bảo về hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 158. Và trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho tổ chức kinh doanh chứng khoán.


 

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dungThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉTầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sưzalo.me/3357157996900972250

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

VỤ ÁN: BỒI THƯỜNG THU HỒI ĐẤT

VỤ ÁN: SAI PHẠM TRONG VIỆC TÍNH LÃI TRONG TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

VỤ ÁN: TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ HIỆU LỰC CỦA BẢN DI CHÚC