GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ HIỆU LỰC CỦA BẢN DI CHÚC

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về nội dung sau: VỤ ÁN GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ HIỆU LỰC CỦA BẢN DI CHÚC (CHÚC THƯ)

(Do tính chất bảo mật thông tin vụ án nên toàn bộ Thông tin cá nhân, Tên địa phương, Tên cơ quan hành chính đã được mã hóa)


I. TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN

Ông Nguyễn Vân Đơn (sinh năm 1919, đã mất) và bà Bùi Thị Nay (sinh năm 1917, đã mất), cùng có hộ khẩu tại Tổ dân phố số 5, Nam Hội, phường Phú Sơn, quận Hà Bắc, thành phố H. Ông Đơn, bà Nay có 05 người con chung gồm: 1. Ông Nguyễn Vân Hiện (con trai cả); 2. Ông Nguyễn Vân Hiển (con trai thứ hai – liệt sĩ, hy sinh năm 1965, có vợ là bà Bùi Thị Hạm và con gái là Nguyễn Thị Hinh); 3. ông – Nguyễn Vân Biền (con trai thứ ba); 4. Ông Nguyễn Vân Hài (con trai thứ tư) và 5. Bà Nguyễn Thị Hiền (con gái út).

Trong quá trình chung sống, ông Đơn, bà Nay đã tạo lập được các khối tài sản gồm nhà và đất tại Tổ dân phố 5, Nam Hội, phường Phú Sơn, quận Hà Bắc, thành phố H; trong số đó có thửa đất số 02, tờ bản đồ số 03, diện tích sử dụng 239m2 (“Thửa Đất 239m2”).

Từ khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất năm 1956, ông Đơn, bà Nay đã liên tục sử dụng Thửa Đất 239m2 và chưa tặng cho, chuyển nhượng hay để lại thừa kế cho bất kỳ ai. Tuy vậy, năm 2004, ông Nguyễn Vân Hiện đã xuất trình một bản chúc thư được cho là của– ông Đơn và bà Nay – lập ngày 10/8/2002 (“Chúc Thư 2002”) thể hiện ông Đơn bà Nay để lại Thửa Đất 239m2 cho ông Hiện. Dựa trên Chúc Thư này, ông Hiện đã tặng cho con trai là ông Nguyễn Văn Sơn toàn bộ Thửa Đất trên. Ông Nguyễn Văn Sơn và bà Nguyễn Thị Dung (là vợ ông Sơn) sau đó đã được UBND quận Hà Bắc cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào năm 2017.

II. QUAN ĐIỂM BẢO VỆ CỦA EQUITY LAW

Chúng tôi cho rằng Chúc Thư 2002 không thỏa mãn điều kiện về hình thức của di chúc; không phản ánh đúng ý nguyện của người để lại di sản; và ông Nguyễn Vân Hiện không có quyền hưởng di sản theo nội dung Chúc Thư 2002 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Cụ thể như sau:

1. Chúc Thư 2002 không đáp ứng điều kiện về hình thức của di chúc theo quy định pháp luật

Khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự 1995 quy định: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.

Ông Nguyễn Vân Đơn bị mù cả hai mắt, không thể tự mình lập di chúc được. Vì vậy, Chúc Thư chỉ có hiệu lực trong trường hợp có người làm chứng lập và được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp. Tuy nhiên, Chúc Thư không đáp ứng được quy định về điều kiện có hiệu lực nêu trên, cụ thể như sau:

1.1. Chúc Thư 2002 không có người làm chứng hợp lệ

Theo quy định tại Điều 657 Bộ luật Dân sự năm 1995 về người làm chứng cho việc lập di chúc:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc”.

Như vậy, theo quy định dẫn chiếu nêu trên, những người thừa kế theo pháp luật, thuộc các hàng thừa kế đều không được là người làm chứng cho việc lập di chúc.

Điều 679 Bộ luật Dân sự 1995 quy định:

1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết”.

Như vậy, anh ruột, em ruột là người thừa kế theo pháp luật của người chết và không được làm chứng cho việc lập di chúc theo quy định nêu trên.

Trên thực tế, Chúc Thư được lập có bốn người làm chứng bao gồm: Ông Nguyễn Vân Ba, ông Nguyễn Vân Bẩy, ông Nguyễn Vân Tám, ông Nguyễn Vân Sinh.

Trong bốn người nêu trên thì chỉ có ông Nguyễn Vân Sinh là anh em thúc bá của ông Nguyễn Vân Đơn (người để lại di sản). Còn ba người còn lại là ông Nguyễn Vân Ba, ông Nguyễn Vân Bẩy, ông Nguyễn Vân Tám đều là anh em ruột của ông Nguyễn Vân Đơn, là người thừa kế theo pháp luật, thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông Nguyễn Vân Đơn.

Do vậy, ông Nguyễn Vân Ba, ông Nguyễn Vân Bẩy, ông Nguyễn Vân Tám không được làm chứng cho việc lập Chúc Thư của ông Nguyễn Vân Đơn; và việc làm chứng của những người này đều không có giá trị pháp lý. Chỉ duy nhất có ông Nguyễn Vân Sinh được quyền làm chứng cho nội dung Chúc Thư này.

Điều 659 Bộ luật Dân sự 1995 quy định về di chúc bằng văn bản có người làm chứng, theo đó:

Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.

Ông Nguyễn Vân Đơn mù cả hai mắt, không thể tự mình viết di chúc được nên ông Nguyễn Vân Sinh là người lập Chúc Thư cho ông Nguyễn Vân Đơn. Như nội dung phân tích nêu trên, ông Nguyễn Vân Sinh là người làm chứng hợp lệ duy nhất đối với Chúc Thư, trong khi điều kiện theo quy định pháp luật cần tối thiểu hai người làm chứng thì mới hợp pháp. Hay nói cách khác Chúc Thư không đáp ứng được điều kiện về người làm chứng hợp lệ.

Khoản 1 Điều 655 Bộ luật Dân sự 1995 quy định:

1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

[…]

  1. b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật”.

Do vậy, Chúc Thư không đáp ứng được quy định về người làm chứng theo pháp luật dân sự, nên Chúc Thư không có hiệu lực theo quy định dẫn chiếu nêu trên.

1.2 Chúc Thư 2002 không được công chứng, chứng thực hợp pháp

Điều 661 Bộ luật Dân sự 1995 quy định:

Thủ tục lập di chúc tại Công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Việc lập di chúc tại Công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:

1- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.

2- Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp lập di chúc có chứng thực của UBND xã thì người lập di chúc phải lập và tuyên bố, ký và điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có người làm chứng thì người làm chứng cũng phải ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực; và việc chứng thực cũng phải được thực hiện trước mặt người làm chứng và người lập di chúc.

Tuy nhiên, trên thực tế, Chúc Thư được ông Nguyễn Vân Sinh lập (lập giúp ông Đơn) ngày 10/8/2002 (thông tin thể hiện trên Chúc Thư). Trong khi đó, UBND xã Phú Sơn lại xác nhận về di chúc và chữ ký của địa chính xã sau thời điểm lập di chúc gần nửa năm – ngày 04/01/2003 (thông tin thể hiện trên Chúc Thư).

Do vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng Chúc Thư không được ông Nguyễn Vân Đơn cùng những người làm chứng lập và ký tên, điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền của UBND xã.  Mà Chúc Thư được tự tạo lập trước, sau đó dựa vào mối quan hệ quen biết ở làng xã thời kỳ trước đây để xin xác nhận sau thời điểm lập gần nửa năm. Do vậy, Chúc Thư được lập vi phạm quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục, hình thức chứng thực nên không phát sinh giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, nội dung xác nhận của UBND xã chỉ là: “Xác nhận bản Chúc Thư của ông Nguyễn Vân Đơn và chữ ký của ông Nguyễn Đức Tọa địa chính xã là đúng”.

Đây là việc xác nhận vô căn cứ, không dựa trên nghiệp vụ và quy định pháp luật về chứng thực di chúc. Cụ thể Điều 50 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực (có hiệu lực ngày 01/4/2001) quy định:

1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu việc công chứng, chứng thực di chúc; không công chứng, chứng thực di chúc thông qua người khác.

2. Trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác mà người lập di chúc không thể đến trụ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực, thì việc công chứng, chứng thực di chúc được thực hiện tại chỗ ở hoặc nơi có mặt của người lập di chúc. Đối với việc lập di chúc mà tính mạng bị cái chết đe doạ, thì không nhất thiết phải xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định này.

3. Người thực hiện công chứng, chứng thực phải xác định về trạng thái tinh thần của người lập di chúc.

Nếu nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc xét thấy việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, thì người thực hiện công chứng, chứng thực không công chứng, chứng thực di chúc đó”.

Tuy nhiên, UBND xã Phú Sơn không thực hiện bất kỳ nội dung nào theo quy định về chứng thực di chúc nêu trên, không xác định về trạng thái, tinh thần của người lập di chúc (vì khi xác nhận không có mặt ông Đơn); việc lập di chúc có dấu hiệu rõ ràng của việc lừa dối nhưng vẫn xác nhận, vi phạm nghiêm trọng quy trình, thủ tục nghiệp vụ chứng thực di chúc. Tại văn bản trình bày của ông Nguyễn Vân Ba lập  ngày 07/8/2005 đã thể hiện: “Sau nhờ ông Sinh lập cái di chúc, ông Sinh mang đến nhà ông Tám, cả ba chúng tôi cùng ký vào…”.

Như vậy, việc xác nhận của UBND xã Phú Sơn không phải việc chứng thực di chúc theo quy định dẫn chiếu nêu trên; nội dung xác nhận trái pháp luật nên Chúc Thư không có giá trị pháp lý.

2. Chúc Thư 2002 không có hiệu lực do ông Nguyễn Vân Hiện đã lừa dối người lập Chúc Thư 2002, người để lại di sản và người làm chứng để lập Chúc Thư trái nguyện vọng của người để lại di sản

Khoản 1 Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định:

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép”.

Trên thực tế, ông Nguyễn Vân Hiện đã lừa dối người để lại di sản (ông Nguyễn Vân Đơn và bà Bùi Thị Nay), người lập di chúc (ông Nguyễn Vân Sinh) và những người làm chứng (ông Nguyễn Vân Ba, Nguyễn Vân Bẩy, Nguyễn Vân Tám và Nguyễn Vân Sinh) để lập di chúc trái ý nguyện, trái thực tế, cụ thể như sau:

2.1 Ngay từ đầu, ông Đơn, bà Nay và tất cả mọi người trong gia đình đều biết và đồng thuận việc ông Đơn, bà Nay để lại Thửa Đất cho ông Nguyễn Vân Hài.

Ngày 26/8/2004, bà Bùi Thị Nay (mẹ đẻ ông Hiện, người để lại di sản) đã có Đơn Đề nghị với nội dung ghi nhận rõ ràng ý chí của ông Đơn và bà Nay, cụ thể: “Cái ao này trước đây thả bèo và rau muống. Cách đây hơn mười năm, chồng tôi đã tuyên bố cho thằng Út (là Nguyễn Vân Hài)”. Việc phân chia di sản như vậy là phù hợp ý chí, nguyện vọng thực tế của người đã mất và toàn thể gia đình.

Tại văn bản của ông Nguyễn Vân Ba gửi ông Bính, ông Sơn (con trai ông Hiện), ông Bổng đã xác nhận: “Ông và bà của hai cháu (ông Đơn và bà Nay) trước là cái ao thả bèo, bà cháu vẫn giữ cho chú Hài… Bố cháu cố tình định chiếm, bắt ông các cháu đi đến chỗ sai lầm… các cháu cũng biết hết là chú Hài mà không đứa nào phàn đối bố là sai lầm”.

Tại văn bản của ông Nguyễn Vân Ba gửi Hội đồng thôn Nam Hội cũng thể hiện rõ nội dung này: “Ông Đơn chia cho con… anh Nguyễn Vân Hài cái ao thả bèo và cấy rau muống bà Nay vẫn quản lý cho anh Hài”.

Ông Bổng là một trong những người làm chứng cho nội dung Chúc Thư chia cho ông Hiện toàn bộ Thửa Đất; mà tại văn bản này lại ghi nhận rõ ràng thực tế người để lại di sản có nguyện vọng để lại Thửa Đất cho ông Hài.

Như vậy, nguyện vọng thực tế của ông Đơn và bà Nay là để lại Thửa Đất ao cho con trai là Nguyễn Vân Hài mà không phải cho ông Nguyễn Vân Hiện như nội dung Chúc Thư đã thể hiện.

2.2 Trên thực tế, ông Hiện đã lừa đối tất cả mọi người, tự dựng lên Chúc Thư 2002 để mình được quyền sử dụng Thửa Đất

Trong Chúc Thư có điểm chỉ của bà Bùi Thị Nay là người để lại di sản. Nhưng trên thực tế, bà Bùi Thị Nay chưa từng đồng thuận với nội dung này, bà Nay luôn phản đối việc phân chia di sản thừa kế như Chúc Thư. Cụ thể, tại Đơn đề nghị ngày 06/09/2004 (gửi kèm Đơn Khởi kiện), bà Nay có thể hiện rõ nội dung việc phân chia di sản như Chúc Thư là “sự vô lý không thể chấp nhận được” và “Bên cạnh đó, tôi nhận ra sự lừa dối, xảo quyệt của con cả tôi (ông Nguyễn Vân Hiện) đối với tôi, với các em chồng tôi và các con tôi trong khi làm chúc thư”. Như vậy, bản thân bà Nay chưa từng đồng ý với nội dung Chúc Thư; việc điểm chỉ của bà Nay trong Chúc Thư hoặc là giả mạo hoặc do sự lừa dối của ông Nguyễn Vân Hiện do bà Nay không đọc viết được, tuổi cao, sức yếu. Trước, trong và sau khi lập Chúc Thư, bà Nay luôn phản đối về toàn bộ nội dung Chúc Thư.

Cũng tương tự bà Bùi Thị Nay, người lập di chúc và những người làm chứng cũng đều bị ông Nguyễn Vân Hiện lừa dối một cách trắng trợn để giả mạo về nội dung di chúc. Việc lập Chúc Thư do bị lừa đối, không đúng với ý nguyện của người để lại di sản, và bản thân những người làm chứng nhận thức rõ việc làm này là sai trái. Vì vậy, ngày 10/8/2004, toàn bộ những người làm chứng và người lập di chúc (bao gồm ông Nguyễn Vân Ba, Nguyễn Vân Bẩy, Nguyễn Vân Tám và Nguyễn Vân Sinh) đã làm Đơn xin rút lại chữ ký và Đơn xin xem lại tư cách pháp nhân (theo Hài liệu gửi kèm Đơn này). Trong các văn bản nêu trên, những người làm chứng và người trực tiếp lập di chúc đả khẳng định việc bị ông Nguyễn Vân Hiện lừa dối, lợi dụng sự tin tưởng của các cụ cao tuổi, trình độ hiểu biết hạn chế, khó khăn trong việc đọc hiểu văn bản, đã lừa dối để ông Nguyễn Vân Đơn cũng những người khác ký, điểm chỉ trong bản Chúc Thư. Do vậy, toàn bộ những người làm chứng và người lập Chúc Thư đều xác nhận bị ông Hiện lừa dối và đồng thuận rút toàn bộ chữ ký trong bản Chúc Thư do không đúng nội dung, ý nguyện ban đầu.

Bên cạnh đó, tại văn bản trình bày của ông Nguyễn Vân Ba lập ngày 07/8/2005 đã thể hiện việc tất cả những người làm chứng và người lập Chúc Thư: “Vì tuổi cao không đọc được, bị lừa âm mưu của anh Chiện (Hiện) cố ý chiếm đoạt cái ao…”.

Vì vậy, Chúc Thư được lập do những người lập Chúc Thư, người làm chứng và người để lại di sản bị lừa dối. Theo quy định pháp luật đã dẫn chiếu nêu trên, Chúc Thư không có giá trị pháp lý.

3. Ông Nguyễn Vân Hiện không được quyền hưởng di sản thừa kế do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản

Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định:

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

  1. b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản”.

Bà Bùi Thị Nay – người để lại di sản – là mẹ đẻ của ông Nguyễn Vận Hiện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân Hiện đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với đấng sinh thành của mình.

Cụ thể, tại Đơn Đề nghị ngày 6/9/2004 của bà Nay đã thể hiện: “Khi biết không đạt được mục đích tham lam của mình, con cả tôi (ông Hiện) và các con của nó đã chửi tôi thậm tệ mấy ngày đêm và đã nhiều lần con cả tôi đuổi tôi ra khỏi ngôi nhà do chính tay vợ chồng tôi dựng nên…. Và điều gì tất xảy ra đã xảy ra, con cả tôi đã đuổi tôi ra khỏi nhà. Một bà già đã sức lực cạn kiệt, mẹ của liệt sĩ đã phải lang thang hết nhà các cháu bên nội, bên ngoại rồi đến nhà con gái”.

Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra là khi bà Nay cương quyết “tôi sẽ tự thiêu để ngăn chặn hành động phi đạo lý của đứa con trai bất hiếu Nguyễn Vân Hiện”. Những việc làm nêu trên của ông Nguyễn Vân Hiện đều được anh em, hàng xóm, dân làng biết và chứng kiến. Bản thân bà Nay đã phải lên án, gửi Đơn, thư đề nghị chính quyền can thiệp vì hành vi bất hiếu của chính con trai mình.

Như vậy, có đầy đủ căn cứ để khẳng định ông Nguyễn Vân Hiện đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với bà Bùi Thị Nay, mẹ đẻ của mình. Do đó, ông Hiện không được quyền hưởng bất kỳ di sản nào trong khối Hài sản cha mẹ để lại. Hay nói cách khác việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thành viên gia đình ông Nguyễn Vân Hiện là trái pháp luật.

III. KẾT LUẬN:

Như vậy Chúc Thư 2002 không hình thức thỏa mãn quy định pháp luật, người lập chúc thư, người để lại di sản và người làm chứng đã bị lừa dối và ông Nguyễn Vân Hiện đã vi phạm nghĩa vụ đối với người để lại di sản. Do vậy, Chúc Thư 2002 không có giá trị pháp lý. Ông Nguyễn Vân Hiện không thể tặng cho quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần Thửa Đất 239m2 cho ông Nguyễn Vân Sơn và bà Nguyễn Thị Dung. Ông Sơn và bà Dung không có quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần Thửa Đất 239m2 và không phải là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc một phần Thửa Đất 239m2.


Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “VỤ ÁN GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ HIỆU LỰC CỦA BẢN DI CHÚC”

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dungThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉTầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sưzalo.me/3357157996900972250

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

NHẬP HỘ KHẨU VÀ QUYỀN THỪA KẾ KHI NHÀ Ở KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

ĐỐI TƯỢNG KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

THỦ TỤC KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

THỦ TỤC HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT