THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM
Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh bảo hiểm? Trình tự thủ tục để có thể kinh doanh bảo hiểm bao gồm những thủ tục nào?
Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật kinh doanh bảo hiểm 2000;
– Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010;
– Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm.
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
2.1. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM
2.1.1. Điều kiện chung.
a. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn:
Tổ chức, cá nhân góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định;
– Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;
– Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải:
+ Hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ;
+ Không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
– Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp;
– Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
b. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập:
– Có vốn điều lệ đã góp (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), vốn được cấp (đối với chi nhánh nước ngoài) không thấp hơn mức vốn pháp định;
– Có loại hình doanh nghiệp, Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) phù hợp với quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan;
– Có người quản trị, điều hành dự kiến đáp ứng quy định tại Nghị định này.
c. Có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định này.
2.1.2. Điều kiện thành lập củ thể đối với doanh nghiệp bảo hiểm
a. Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm:
Ngoài các điều kiện chung, thành viên góp vốn phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau:
– Đối với tổ chức nước ngoài:
+ Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam;
+ Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
+ Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
– Đối với tổ chức Việt Nam:
+ Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm;
+ Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
b. Điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm:
– Ngoài các điều kiện chung, công ty cổ phần bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức:
+Đáp ứng Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
+ 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập
– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm.
2.1.3. Điều kiện về mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm
a. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
b. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:
– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
c. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam
2.2. HỒ SƠ CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC LOẠI HÌNH KINH DOANH BẢO HIỂM
2.2.1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
– Dự thảo Điều lệ công ty.
– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Danh sách thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các giấy tờ kèm theo sau đây:
+ Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác;
+ Điều lệ công ty;
+ Văn bản của cấp có thẩm quyền của tổ chức góp vốn quyết định việc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm;
+ Văn bản ủy quyền, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn;
+ Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền cho công ty con góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thì cung cấp cả báo cáo tài chính của công ty con đó;
+ Văn bản ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cho công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài và cam kết cùng công ty con chịu trách nhiệm đối với việc góp vốn và nghĩa vụ của công ty con trong việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền cho công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam).
– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.
– Hợp đồng hợp tác.
– Biên bản họp của các thành viên góp vốn về việc:
+ Nhất trí góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, kèm theo danh sách các thành viên sáng lập hoặc góp từ 10% vốn điều lệ trở lên;
+ Thông qua dự thảo Điều lệ công ty.
– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức nước ngoài góp vốn đóng trụ sở chính xác nhận:
+ Tổ chức nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;
+ Tổ chức nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành hoạt động ở Việt Nam;
+ Tổ chức nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh
+ Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
+ Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định pháp luật chuyên ngành.
– Văn bản cam kết của các thành viên góp vốn đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép.
– Văn bản ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt thực hiện các thủ tục.
2.2.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty cổ phần bảo hiểm
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
– Dự thảo Điều lệ công ty.
– Phương án hoạt động 05 năm đầu phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Bản sao các loại giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao các văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Danh sách cổ đông sáng lập và các giấy tờ kèm theo sau đây:
+ Đối với cá nhân:
- Bản sao các loại giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp theo mẫu do pháp luật quy định;
- Xác nhận của ngân hàng về số dư tiền đồng Việt Nam; ngoại tệ tự do chuyển đổi gửi tại ngân hàng.
+ Đối với tổ chức:
- Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác; đối với tổ chức nước ngoài thì bản sao phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Điều lệ công ty;
- Văn bản của cấp có thẩm quyền của tổ chức góp vốn quyết định việc tham gia góp vốn;
- Văn bản ủy quyền, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức góp vốn;
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ.
– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành triển khai.
– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.
– Biên bản họp của các cổ đông về việc:
+ Nhất trí góp vốn thành lập công ty cổ phần bảo hiểm kèm theo danh sách các cổ đông sáng lập;
+ Thông qua dự thảo Điều lệ công ty.
– Biên bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức thay mặt thực hiện các thủ tục.
– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức Việt Nam:
+ Góp vốn đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính;
+ Được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.
– Trường hợp tổ chức nước ngoài là doanh nghiệp bảo hiểm thì phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi doanh nghiệp bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính không yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có bằng chứng xác nhận việc này;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành hoạt động tại Việt Nam;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang trong tình trạng tài chính lành mạnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý tại nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
+ Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi tổ chức nước ngoài đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
– Văn bản cam kết của các cổ đông đối với việc đáp ứng điều kiện để được cấp Giấy phép.
2.3. THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG
– Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm.
– Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính của Việt Nam.
2.4. TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG
Bước 1: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được lập thành 03 bộ trong đó có 01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao nộp tại bộ tài chính
– Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của tổ chức, cá nhân nước ngoài:
+ Mỗi bộ gồm 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản bằng tiếng Anh.
+ Các tài liệu có chữ ký, chức danh, con dấu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
+ Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam xác nhận theo quy định pháp luật về công chứng. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Bước 2: Trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép:
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ.
– Thời hạn bổ sung, sửa đổi là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo.
– Trường hợp chủ đầu tư không bổ sung; sửa đổi Bộ Tài chính có văn bản từ chối xem xét cấp Giấy phép.
Bước 3: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:
– Bộ Tài chính cấp Giấy phép.
– Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
– Chỉ được từ chối cấp Giấy phép khi không đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép.
2.5. THỦ TỤC SAU KHI ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG
a. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung chủ yếu như sau:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; tên, địa chỉ của chi nhánh nước ngoài;
– Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
– Mức vốn điều lệ và số vốn điều lệ đã góp; vốn được cấp của chi nhánh nước ngoài;
– Họ, tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm;
– Số và ngày cấp Giấy phép;
– Các nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ môi giới bảo hiểm được phép kinh doanh.
b.Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải:
– Sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp hoặc vốn được cấp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam.
– Mức tiền ký quỹ bằng 2% vốn pháp định.
c.Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hoàn tất các thủ tục dưới đây để chính thức hoạt động:
– Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp);
– Đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng;
– Thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
– Thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài), phê chuẩn các chức danh quản trị, điều hành;
– Ban hành các quy trình khai thác, giám định, bồi thường, kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính và đầu tư, quản lý chương trình tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài).
d. Nếu quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không hoàn tất các thủ tục để bắt đầu hoạt động, Bộ Tài chính sẽ thu hồi Giấy phép đã cấp.
đ.Trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có những thay đổi phải được Bộ Tài chính chấp thuận thì phải tiến hành công bố.
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư: