THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN KHÁNG CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Hiện nay, chế độ xét xử được thực hiện theo hai cấp là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Để có thể xét xử phúc thẩm thì cần phải có kháng cáo, kháng nghị theo luật định. Kháng cáo trong tố tụng hình sự là quyền của các chủ thể nhất định. Mỗi loại chủ thể có một phạm vi kháng cáo khác nhau. Vậy cụ thể thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:


THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN KHÁNG CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
     EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. Quyền kháng cáo

2.1.1. Kháng cáo là gì?

Kháng cáo là quyền yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Khi có kháng cáo hợp lệ, bản án, quyết định sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm.

2.1.2. Đối tượng bị kháng cáo

Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:

Điều 330. Tính chất của xét xử phúc thẩm

1. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Vậy đối tượng có thể bị kháng cáo là bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.

Các quyết định sơ thẩm bị kháng cáo bao gồm quyết định tạm đình chỉ; quyết định đình chỉ vụ án; quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Việc quy định về quyền kháng cáo nhằm đảm bảo chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Mục đích cuối cùng nhằm đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh làm oan, bỏ lọt tội phạm. 

2.1.3. Người có quyền kháng cáo

Căn cứ theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự, chủ thể có quyền kháng cáo bao gồm:

– Bị cáo, bị hại và người đại diện của họ. 

– Người bào chữa có quyền kháng cáo trong trường hợp bào chữa cho bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự và người đại diện của họ. Những người này có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

–  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. 

– Ngoài ra, người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

2.2. Thủ tục kháng cáo

Việc kháng cáo có thể được thực hiện bằng cách nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp với Tòa án.

Khi việc kháng cáo được thực hiện trực tiếp thì Tòa án có trách nhiệm lập biên bản về việc kháng cáo và giải quyết kháng cáo. Trong trường hợp người kháng cáo kháng cáo bằng hình thức nộp đơn thì thủ tục kháng cáo được thực hiện như sau: 

2.2.1. Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ kháng cáo bao gồm đơn kháng cáo và các chứng cứ, tài liệu hoặc đồ vật kèm theo. 

– Đơn kháng cáo bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

+ Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;

+ Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

– Các chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung kèm theo nhằm chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

2.2.2. Nộp đơn kháng cáo

Đơn kháng cáo có thể được nộp ở Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận đơn kháng cáo thì Tòa án gửi đơn kháng cáo cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để giải quyết theo quy định chung. 

Đơn kháng cáo có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua dịch vụ bưu chính. 

Lưu ý: Vì đối tượng kháng cáo trong tố tụng hình sự bao gồm bị cáo, do đó đối tượng này hoàn toàn có thể đang phải chấp hành các biện pháp ngăn chặn. Để đảm bảo quyền kháng cáo của đối tượng này, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:

Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

2.3. Thời hạn kháng cáo và kháng cáo quá hạn

2.3.1. Thời hạn kháng cáo 

a. Thời hạn kháng cáo

Thời hạn kháng cáo đối với bản án và quyết định là khác nhau. Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời hạn kháng cáo như sau: 

– Thời hạn kháng cáo đối với bản án là 15 ngày.

– Thời hạn kháng cáo đối với quyết định là 07 ngày. 

b. Tính thời hạn kháng cáo

Thời hạn kháng cáo được tính kể từ ngày tuyên án đối với bản án. Trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì xác định kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Đối với việc kháng cáo quyết định được tính từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Ví dụ: ngày tuyên án hoặc ngày nhận quyết định là ngày 25/5/2016 thì thời hạn kháng cáo được tính bắt đầu từ ngày 26/5/2016. 

Ngày kháng cáo được xác định tùy theo hình thức kháng cáo.

– Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;

– Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;

– Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn, trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.

2.3.2. Kháng cáo quá hạn

Kháng cáo quá hạn là trường hợp người có quyền kháng cáo kháng cáo khi đã hết thời hạn kháng cáo. Việc kháng cáo quá hạn vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì được chấp nhận. Khi có kháng cáo quá hạn, việc xử lý diễn ra theo thủ tục sau:

– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN KHÁNG CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ“.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật –  Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:                                                                                            

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250     

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ

BIỆN PHÁP TẠM GIỮ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

BIỆN PHÁP TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

TỔNG HỢP HÌNH PHẠT CỦA NHIỀU BẢN ÁN