TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Câu hỏi: Em trai của em được bạn nhờ đi can thiệp nói chuyện giảng hòa xô xát. Nhưng khi đến điểm hẹn có đi cùng một số người bạn khi đến nơi vừa xuống xe đã bị bên kia ném đá và lao vào đâm. Em của em do hoảng loạn đã lấy baton có trong người phòng vệ nhưng chưa đánh bên kia mà đã bị bên kia đâm cho thương tích 31% và bạn của em em thì bị thương 40% do lao vào can để em của em có thể chạy được. Nhà em có kiện nhưng lại bị cơ quan công an khởi tố theo khoản 2 Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng, và bên kia có bị đứt gân tay do khi chém không may tự va vào tay ạ. Vậy cho em hỏi em của em có bị đi tù theo khoản 2 Điều 318 không ạ? Xin Luật sư tư vấn giúp ạ.

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:


TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
     EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

2.1.1. Tội gây rối trật tự công cộng

Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng. Cụ thể, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định:

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

2.1.2. Cấu thành của tội gây rối trật tự công cộng

a. Về mặt khách quan

– Hành vi: Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các nhà hàng, rạp chiếu phim…những nơi tập trung đông người.

– Hậu quả: Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Theo đó, hậu quả xảy ra mà thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Gây thương tích hoặc làm chết người…

b. Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

c. Về mặt khách thể: Hành vi gây rối trật tự công cộng xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác

d. Về mặt chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

2.2. KHỞI TỐ THEO KHOẢN 2 ĐIỀU 318 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017

– Mục đích của em trai bạn khi đến gặp bên thứ ba (gọi chung là bên A): Theo thông tin mà bạn cung cấp thì em trai bạn được nhờ đi giảng hòa xô xát với bên A, có nghĩa là mục đích mà em bạn đến gặp gỡ, nói chuyện với bên A chỉ nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên, không hề có mục đích gây rối trật tự hay gây thương tích cho ai.

– Tuy nhiên, đó là lời khai từ phía em trai bạn. Khi điều tra, Cơ quan Công an sẽ xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan. Cụ thể: Đến giảng hòa thì em bạn mang theo gậy baton để làm gì; nội dung các bên đã trao đổi như thế nào; mục đích của em bạn khi được nhờ đến để làm gì; em bạn có quan hệ như thế nào đối với cả hai bên mà có thể thực hiện được việc giảng hòa. Việc em bạn mang gậy baton đến khó có thể giải thích là nhằm mục đích giảng hòa như đã trình bày. Không loại trừ trường hợp Cơ quan Công an sẽ nhận định theo hướng các bên hẹn gặp để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng.

Đánh giá việc sử dụng gậy baton

– Mặc dù em trai bạn chưa đánh, chưa gây thương tích cho người khác bằng hung khí nhưng việc em trai bạn sử dụng gậy gậy baton có thể được xác định là dùng hung khí, là tình tiết tăng nặng theo điểm b Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự nêu trên.

Trường hợp phía bên em trai bạn có sự bàn bạc, thống nhất, phân công nhiệm vụ thực hiện công việc trước khi đến thì có thể áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức theo điểm a quy định dẫn chiếu nêu trên.

Vì vậy, việc đánh giá, định tội danh và định khung hình phạt phụ thuộc vào diễn biến quá trình điều tra, lời khai, tang chứng, vật chứng trong quá trình giải quyết Vụ Án của Cơ quan Công an.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật sư Công Tiến – Equity Law Firm. Trường hợp cần tư vấn chi tiết, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp Luật sư.

Trân trọng./.

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250     

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm

QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN KHÁNG CÁO TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ