THỦ TỤC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự. Việc xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ các trình tự, thủ tục do Luật định.
Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
Thủ tục xử lý vi phạm hành chính bao gồm ba giai đoạn: xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
2.1. Thủ tục xử phạt
Trước khi xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thực thi công vụ yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi. Yêu cầu của người có thẩm quyền được thể hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Vi phạm hành chính có thể được xử phạt tại chỗ hoặc lập biên bản vi phạm. Xử phạt tại chỗ (xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản) áp dụng đối với các hành vi vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức. Quyết định xử phạt tại chỗ phải ghi rõ:
– Ngày, tháng, năm ra quyết định;
– Tên tuổi, danh tính, địa chỉ đối tượng vi phạm;
– Hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm;
– Chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt;
– Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;
– Mức tiền phạt.
Không áp dụng xử phạt tại chỗ nếu hành vi vi phạm được phát hiện, ghi nhận bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Các trường hợp không áp dụng xử phạt tại chỗ cần phải được lập biên bản, hồ sơ vi phạm.
a. Lập biên bản vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền phải kịp thời lập ngay biên bản hành vi vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc khi xác định được đối tượng vi phạm. Biên bản vi phạm hành chính phải có đầy đủ các thông tin liên quan. Biên bản phải có chữ ký của người vi phạm và của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Trường hợp đối tượng vi phạm không có mặt hoặc từ chối ký vào biên bản thì biên bản cần có chứ ký của UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc hai người làm chứng. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, giao cho người vi phạm một bản. Nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của người lập biên bản thì phải chuyển ngay biên bản cho người có thẩm quyền.
b. Xác minh tình tiết, xác định giá trị tang vật
Trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền cần tiến hành các bước xác minh, thu thập thêm thông tin. Mục đích của việc xác minh thông tin nhằm trả lời các câu hỏi:
– Có hay không có vi phạm hành chính;
– Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;
– Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
– Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
– Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt cần xác định giá trị tang vật trong trường hợp cần căn cứ để xác định khung tiền phạt. Căn cứ xác định giá trị tang vật gồm: giá trên hợp đồng, bảng giá; giá do cơ quan tài chính thông báo; giá thị trường; giá thành phẩm; giá hàng hóa cùng loại. Trong trường hợp không xác định được giá trị, người có thẩm quyền giải quyết tạm giữ tang vật và lập hội đồng định giá. Thời hạn tạm giữ không quá 24 giờ, có thể gia hạn thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ.
c. Giải trình của bên vi phạm
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có quyền giải trình với người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp được áp dụng giải trình là hành vi vi phạm bị xử phạt tước chứng chỉ, giấy phép hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động; phạt tiền từ 15.000.000 đồng với cá nhân và 30.000.000 đồng với tổ chức trở lên. Giải trình có thể bằng văn bản hoặc giải trình trực tiếp. Trong trường hợp giải trình bằng văn bản, người vi phạm phải gửi văn bản giải trình trong vòng 5 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Người có thẩm quyền có thể gia hạn 5 ngày nếu vụ việc có nhiều chi tiết phức tạp, nếu bên vi phạm có đề nghị.
Trong trường hợp giải trình trực tiếp, người vi phạm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Người có thẩm quyền phải trả lời yêu cầu trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc giải trình phải được lập thành biên bản.
d. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm kể từ ngày vi phạm xảy ra. Trong các trường hợp quy định tại đoạn 2, mục a, khoản 1, Điều 6, Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử lý là 2 năm. Trong trường hợp người vi phạm che dấu, thời hiệu được tính từ ngày người vi phạm chấm dứt việc che dấu, cản trở. Hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm không bị xử lý vi phạm nữa.
Thời hạn ra quyết định xử phạt là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Trong trường hợp vụ việc phức tạp hoặc trường hợp vụ việc có giải trình của bên vi phạm, thời hạn ra quyết định là 30 ngày. Thời hạn ra quyết định có thể được gia hạn thêm để xác minh, thu thập thêm thông tin nhưng không quá 30 ngày.
e. Các trường hợp không xử lý vi phạm hành chính
Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp:
– Trường hợp phòng vệ chính đáng;
– Trường hợp tình thế cấp thiết;
– Trường hợp sự kiện bất ngờ;
– Trường hợp sự kiện bất khả kháng;
– Không xác định được đối tượng vi phạm;
– Hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính hoặc thời hạn ra quyết định xử phạt;
– Cá nhân bị xử phạt chết, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản;
– Chuyển hồ sơ để truy tố hình sự.
f. Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính
– Thời gian địa điểm ra quyết định;
– Căn cứ pháp lý;
– Biên bản vi phạm, kết quả xác minh thông tin, văn bản giải trình;
– Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
– Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
– Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
– Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;
– Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
– Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;
– Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
– Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.
2.2. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Trong trường hợp xử phạt không lập biên bản, quyết định xử phạt phải được giao cho cá nhân vi phạm. Tiền phạt được nộp tại chỗ, người thu tiền giao chứng từ thu tiền phạt cho người vi phạm.
Trong trường hợp có lập biên bản, người ra quyết định xử phạt phải thông báo, gửi quyết định xử phạt cho người vi phạm, tổ chức thu tiền phạt và các tổ chức có liên quan khác trong thời hạn 2 ngày sau khi ra quyết định. Khi gửi quyết định xử phạt trực tiếp, nếu người vi phạm không nhận thì coi như quyết định đã được giao. Nếu gửi quyết định qua bưu điện có bảo đảm, sau 10 ngày và 3 lần bị trả lại thì cũng coi như đã giao được quyết định.
Người vi phạm phải chấp hành quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
Người vi phạm có thể được hoãn nộp tiền phạt, miền giảm tiền phạt hoặc được nộp phạt nhiều lần tùy theo tình trạng tài chính của người vi phạm. Tình trạng tài chính phải được UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc tổ chức thuế quản lý. Người nộp phạt chậm có thể bị phạt nộp chậm tương đương 0,05% số tiền phạt mỗi ngày nộp chậm.
2.3. Cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Sau thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính, nếu người vi phạm không chấp hành, người có thẩm quyền quy định tại Điều 87, Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các phương thức cưỡng chế bao gồm:
– Khấu trừ lương, thu nhập, tài khoản cá nhân;
– Kê biên tài sản để bán đấu giá;
– Thu tiền, tài sản do người khác giữ;
– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục.
Các tổ chức, cá nhân phải phối hợp thực hiện quyết định cưỡng chế.
Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “THỦ TỤC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH“.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm: