HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ LOGISTICS

Dịch vụ Logistics là một ngành mới ở Việt Nam chúng ta hiện nay. Vậy việc ký kết hợp đồng dịch vụ Logistics được quy định ra sao theo Luật Thương mại hiện hành?

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:


HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ LOGISTICS
    EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005

– Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 Quy định về kinh doanh dịch vụ Logistics

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1 Dịch vụ Logistics

Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.

2.2. Khái niệm Hợp đồng dịch vụ Logistics

Hợp đồng dịch vụ logistics là sự thỏa thuận; theo đó 1 bên (bên làm dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện hoặc tổ chức thực hiện 1 hoặc 1 số dịch vụ liên quan đến quá trình lưu thông hàng hoá còn bên kia (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán thù lao dịch vụ.

2.3. Đặc điểm hợp đồng dịch vụ logistics

– Là hợp đồng song vụ, hợp đồng ưng thuận và mang tính chất đền bù
– Chủ thể của hợp đồng bắt buộc 1 bên (bên làm dịch vụ) phải có tư cách thương nhân;
bên còn lại (khách hàng) có thể là thương nhân hoặc không.
– Đối tượng của hợp đồng là các dịch vụ gắn liền với hoạt động mua bán; vận chuyển hàng hoá như:
Tổ chức việc vận chuyển hàng hoá
Giao hàng hoá cho người vận chuyển
Làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để vận chuyển hàng hoá
Nhận hàng từ người vận chuyển để giao cho người có quyền nhận hàng…
– Hình thức của hợp đồng: hợp đồng không bắt buộc phải ký kết dưới hình thức văn bản.

2.4. Nội dung hợp đồng dịch vụ logistics:

– Nội dung công việc mà khách hàng ủy nhiệm cho bên làm dịch vụ giao nhận hàng hoá thực hiện.
– Các yêu cầu cụ thể đối với dịch vụ
– Thù lao dịch vụ và các chi phí liên quan đến việc thực hiện dịch vụ giao nhận hàng hoá; nghĩa vụ thanh toán thù lao và các chi phí dịch vụ.
– Thời gian và địa điểm thực hiện dịch vụ
– Giới hạn trách nhiệm và các trường hợp miễn trách đối với người làm dịch vụ.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể các bên có thể thỏa thuận và ghi trong hợp đồng những nội dung khác.

2.5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dịch vụ logistics:

a) Quyền và nghĩa vụ của Thương nhân thực hiện dịch vụ logistic

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác; thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác;

b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;

c) Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn;

d) Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.

2. Khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải.

b) Quyền cầm giữ tài sản
Để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tiền thù lao và các khoản chi phí hợp lý khác, thương nhân làm dịch vụ có quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá. Tuy nhiên việc này chỉ phát sinh khi có các điều kiện sau:
+ Khách hàng không thanh toán nợ đã đến hạn thanh toán cho thương nhân làm dịch vụ
+ Thương nhân làm dịch vụ logistics chỉ được quyền cầm giữ số lượng hàng hoá có giá trị tương đương với giá trị nợ mà khách hàng chưa thanh toán.
+ Thương nhân làm dịch vụ Logistics phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng biết về việc cầm giữ hàng hoá.
Tại Điều 239 Luật Thương mại quy định:

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền cầm giữ một số lượng hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hoá đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.

2. Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hoá hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hoá hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật; trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hoá ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng.

3. Trước khi định đoạt hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó.

4. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu.

5. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan; nếu số tiền thu được từ việc định đoạt vượt quá giá trị các khoản nợ thì số tiền vượt quá phải được trả lại cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.

b. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng:

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, khách hàng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;

2. Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

3. Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

4. Đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đảm nhận công việc này;

5. Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí hợp lý phát sinh cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của mình hoặc trong trường hợp do lỗi của mình gây ra;

6. Thanh toán cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.

2.6. Trách nhiệm Hợp đồng dịch vụ logistics:

Việc 1 bên không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ hợp đồng sẽ phát sinh trách nhiệm hợp đồng. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng, hủy hợp đồng, bồi thường các thiệt hại phát sinh từ sự vi phạm hợp đồng hoặc phạt hợp đồng.
Luật thương mại có 1 số quy định riêng về trách nhiệm tài sản do vi phạm hợp đồng dịch vụ logistics như sau:
– Về giới hạn trách nhiệm:
Điều 238 Luật Thương mại 2005 quy định:
 Trừ khi các bên có thỏa thuận khác; toàn bộ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất hàng hoá.
Với quy định này thì giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của thương nhân làm dịch vụ giao nhận hàng hoá là 1 ngoại lệ của chế tài bồi thường thiệt hại trong hoạt động thương mại nói chung.
Điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định:
Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Một nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Bộ luật dân sự quy định là bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm bồi thường bấy nhiêu.
Tuy nhiên, thương nhân làm dịch vụ logistics không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do thương nhân làm dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động 1 cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.

– Về các trường hợp miễn trách nhiệm:

Thương nhân dịch vụ giao nhận hàng hoá được miễn trách nhiệm hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
+ Thương nhân làm dịch vụ logistics không có lỗi trong việc vi phạm hợp đồng
+ Các lý do khách quan ngoài tầm kiểm soát của người làm dịch vụ như các trường hợp bất khả kháng, đình công hay do thay đổi chính sách pháp luật.

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “Hợp Đồng Dịch Vụ Logistics”.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật –  Thực hiện thủ tục hành chính – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:                                                                                               

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 –  0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sưzalo.me/3357157996900972250

Quét mã QR Zalo Luật sư:


Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

THỦ TỤC KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ