ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI, HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ
Đại lý thương mại là một trong các hình thức trung gian thương mại, mang lại lợi ích vô cùng lớn cho các doanh nghiệp, giúp họ đưa hàng hóa, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề trên như sau:

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Thương mại 2005
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
2.1. ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI
2.1.1. Định nghĩa
Theo Điều 166 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.”
2.1.2. Đặc điểm
Ngoài các đặc điểm chung của hoạt động thương mại, đại lý thương mại có các đặc trưng sau đây:
– Quan hệ đại lý thương mại có sự tham gia của ba bên: bên giao đại lý, bên đại lý và bên thứ ba
Theo Điều 167 Luật Thương mại 2005 quy định:
“1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.”
+ Quan hệ đại lý luôn tồn tại song song 02 nhóm quan hệ. Đó là quan hệ giữa bên giao đại lý và bên đại lý; giữa bên đại lý và bên thứ ba.
+ Các quan hệ này phát sinh trên cơ sở hợp đồng đại lý.
+ Theo đó, bên giao đại lý sẽ ủy quyền cho bên đại lý thực hiện mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình; bên đại lý sẽ tiến hàng giao dịch thương mại với bên thứ ba.
– Bên đại lý nhân danh chính mình tiến hành giao dịch với bên thứ ba vì lợi ích của bên giao đại lý để hưởng thù lao.
+ Chủ thể tham gia quan hệ đại lý là các thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
+ Các thương nhân này có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với bên giao đại lý và bên thứ ba. Bên đại lý có trụ sở riêng, tự định đoạt thời gian làm việc, thực hiện mọi quyền hạn có được và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đó.
Tuy nhiên, bên đại lý thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không vì lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của bên giao đại lý. Lợi ích mà bên đại lý nhận được chính là khoản thù lao bên giao đại lý trả cho bên đại lý theo thỏa thuận của hai bên trước đó.
– Nội dung của hoạt động đại lý thương mại
Nội dung của hoạt động đại lý bao gồm:
+ Việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý;
+ Việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý và bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý.
– Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý.
Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng mà chỉ là người nhận hàng để rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba.
– Quan hệ đại lý thương mại xác lập trên quan hệ hợp đồng.
Theo Điều 168 Luật Thương mại 2005 quy định
“Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.”
+ Các hình thức có giá trị tương đương với văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
+ Pháp luật không quy định các điều khoản bắt buộc của hợp đồng đại lý. Khi giao kết hai bên có thể thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng các điều khoản sau: hàng hóa hoặc dịch vụ đại lý; hình thức đại lý; thù lao đại lý; thời hạn đại lý;…
2.1.3. Hình thức đại lý thương mại
Theo Điều 169 Luật Thương mại 2005 quy định các hình thức đại lý gồm đại lý bao tiêu; đại lý độc quyền; tổng đại lý và các hình thức đại lý khác do các bên thỏa thuận. Cụ thể các hình thức đại lý như sau:
“1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
3. Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
4. Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.”
2.2. HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ
2.2.1. Định nghĩa
Hợp đồng đại lý thương mại là sự thỏa thuận của các bên, trong đó một bên (bên đại lý) nhân danh chính mình để thực hiện việc mua, bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ cho bên kia (bên giao đại lý) để hưởng thù lao. Bản chất của hợp đồng đại lý là hợp đồng song vụ. Trong hợp đồng đại lý, bên đại lý và bên giao đại lý đều có nghĩa vụ đối với nhau.
2.2.2. Đặc điểm
– Thứ nhất, hợp đồng đại lý là một loại hợp đồng dịch vụ
+ Trong quan hệ hợp đồng, lợi ích mà bên đại lý được hưởng chính là thù lao đại lý. Khoản thù lao này là thù lao dịch vụ mà bên đại lý phải thanh toán do sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý.
+ Thù lao do hai thỏa thuận và sẽ được trả dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
– Thứ hai, chủ thể giao kết hợp đồng đại lý là các thương nhân
Bản chất của hợp đồng đại lý là sự ghi nhận thỏa thuận của các bên nhằm xác lập quan hệ đại lý thương mại. Vì vậy, chủ thể trong hợp đồng phải là các thương nhân.
– Thứ ba, nội dung của hợp đồng đại lý
Tùy thuộc vào hình thức đại lý mà hợp đồng đại lý sẽ có một số điều khoản khác biệt nhất định, tuy nhiên, nhìn chung, các hợp đồng đại lý sẽ có các thông tin cơ bản sau:
+ Thông tin của các bên giao kết hợp đồng;
+ Loại hàng hóa, số lượng hàng hóa mà bên giao đại lý cung cấp cho bên đại lý; Số tiền bên giao đại lý chuyển cho bên đại lý để mua hàng hóa; Dịch vụ mà bên giao đại lý cung ứng cho bên đại lý;
+ Giá cả, phương thức thanh toán: trong mục này, hai bên có thể thỏa thuận về mức thù lao mà bên đại lý được hưởng;
+ Đặt hàng, giao hàng;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng: đây là mục quan trọng trong hợp đồng; đa số các tranh chấp đều phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ; do đó, cần quy định rõ ràng quyền – nghĩa vụ của mỗi bên;
+ Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng;
+ Các chính sách hỗ trợ, bảo hành (nếu có);
+ Mức bồi thường thiệt hại: trường hợp có hư hỏng, mất mát về hàng hóa, chậm giao hàng, vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên còn lại;
+ Xử lý khi phát sinh tranh chấp;
+ Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
– Thứ tư, về hình thức
Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
2.2.3. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý thương mại sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:
– Hợp đồng đại lý đã được hoàn thành, thời hạn của hợp đồng đại lý đã chấm dứt.
– Một trong hai bên tham gia hợp đồng đại lý chết; mất tích hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; mất tư cách thương nhân.
– Hợp đồng đại lý bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện.
Trong trường hợp này, hợp đồng đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo cho bên kia bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
Nếu việc chấm dứt do yêu cầu của bên giao đại lý, bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý.
Giá trị của khoản bồi thường thường bằng một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm, trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
Nếu hợp đồng đại lý chấm dứt do yêu cầu của bên đại lý, bên đại lý sẽ không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý.
Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “ ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI, HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ “.
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:
– HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ