CỔ ĐÔNG CÓ QUYỀN DỰ HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
Cổ đông là cá nhân hay tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp (cổ phần) của một công ty cổ phần. Về bản chất, cổ đông là thực thể đồng sở hữu công ty cổ phần chứ không phải là chủ nợ của công ty đó do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của họ gắn liền với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Vậy có những loại cổ đông gì và những cổ đông nào có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông?
Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2014
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
2.1. Khái niệm về cổ đông và các loại cổ đông
a) Khái niệm
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
b) Các loại cổ đông
Có 5 loại cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014:
– Cổ đông sáng lập: là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
– Cổ đông phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông;
– Cổ đông ưu đãi biểu quyết: là cổ đông có quyền phủ quyết trong một số quyết sách quan trọng (được quy định trong điều lệ công ty) của công ty cổ phần, có quyền biểu quyết;
– Cổ đông ưu đãi cổ tức: là người được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm; phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty; sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ; cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
– Cổ đông ưu đãi hoàn lại: là người được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của họ hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
2.2. Cổ đông có quyền dự Đại hội đồng cổ đông
– Cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết có quyền tham gia và biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông.
– Cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, tham dự Đại hội đồng cổ đông hay đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
2.3. Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
Những trường hợp mà cổ đông được coi là tham dự; biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được quy định tại Khoản 2 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;
d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
Trường hợp cổ đông là tổ chức chưa có người đại diện theo ủy quyền quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2014 thì ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông. Việc chỉ định người đại diện theo ủy quyền phải bằng văn bản; phải thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được thông báo.
Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu do công ty phát hành. Người được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp.
2.4. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
a) Danh sách cổ đông có quyền tham dự
– Được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty.
– Được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn.
Danh sách phải bao gồm:
– Họ, tên;
– Địa chỉ thường trú;
– Quốc tịch;
– Số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân;
– Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập;
– Địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;
– Số lượng cổ phần từng loại,
– Số và ngày đăng ký cổ đông của từng cổ đông.
b) Quyền của cổ đông đối với danh sách cổ đông có quyền tham dự
Cổ đông có quyền như sau:
– Kiểm tra, tra cứu; trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông;
– Yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch; bổ sung những thông tin cần thiết về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông.
Người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin sổ đăng ký cổ đông; sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời; không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu.
Trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin trong sổ đăng ký cổ đông thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty.
LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300
Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm
Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn
Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250
Quét mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:
– TRÌNH TỰ HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG
– THỦ TỤC HỦY NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG